Bồ-tát thừa (Bodhisattvayāna) Tam_thừa

Quán Thế Âm Bồ-tát

Bồ-tát thừa (Bodhisattvayāna) được xem là Đại thừa vì những chúng sinh nào tu theo con đường này sẽ đưa đến quả Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, Sa. Anuttara-samyak-sambodhi), bất kỳ ai cũng có thể thụ giới Bồ-tát (gồm 10 giới trọng, 48 giới khinh trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới) và tu theo Bồ-tát thừa dù là bậc xuất gia (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni) hay bậc tại gia/hàng bạch y (ưu-bà-tắc/ cận sự nam như trưởng giả Duy-ma-cật trong Duy-ma-cật sở thuyết kinh, ưu-bà-di/ cận sự nữ). Phương pháp tu hạnh chính của con đường này là thực hành các ba-la-mật-đa (sa. paramita), theo dòng văn Bát-nhã và một số kinh điển khác như kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì có lục độ: Bố thí (dana), Trì giới (śīla), Nhẫn (kṣānti), Tinh tấn (vīrya), Thiền định (dhyāna), Trí huệ (prajñā); trong phẩm Thập Địa, kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm có bổ sung thêm bốn ba-la-mật đó là Phương Tiện, Nguyện, Lực, Trí.

Bồ-tát hay gọi đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa (sa. Bodhisattva) là những chúng sinh có nguyện lực lớn muốn vừa tự giải thoát chính mình (tự giác) vừa cứu độ những chúng sinh khác (tha giác). Một vị Bồ-tát có thể phát nguyện thành Phật mới độ chúng sinh (như Phật Vô Lượng Thọ, Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương, Phật Bất Động...) hoặc độ chúng sinh rồi mới thành Chính quả (như ngài Địa Tạng Vương Bồ-tát); một số trường hợp thì dù đã đắc quả Vô thượng nhưng vì thương xót chúng sinh nên mới hiện thân làm Bồ-tát (như ngài Quán Thế Âm Bồ-tát trong kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni). Theo kinh Phạm Võng, kinh Anh Lạc thì có 52 cấp bậc của Bồ-tát (xếp từ thấp lên cao) là:

  • Thập Tín vị: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Huệ tâm, Định tâm, Bất thoái tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Giới tâm và Nguyện tâm.
  • Thập Trụ vị: Phát tâm trụ, Trị địa tâm trụ, Tu hành tâm trụ, Sinh quý tâm trụ, Phương tiện cụ trúc tâm trụ, Chánh tâm trụ, Bất thoái tâm trụ, Đồng chân tâm trụ, Pháp vương tử tâm trụ và Quán đảnh tâm trụ.
  • Thập Hạnh vị: Hoan hỷ tâm hạnh, Nhiêu ích tâm hạnh, Vô sân hận tâm hạnh, Vô tận tâm hạnh, Ly si loạn tâm hạnh, Thiện hiện tâm hạnh, Vô trước tâm hạnh, Tôn trọng tâm hạnh, Thiện pháp tâm hạnh và Chân thật tâm hạnh.
  • Thập Hồi hướng vị: Cứu độ nhất thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng tâm, Bất hoại hồi hướng tâm, Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng tâm, Chí nhất thiết xứ hồi hướng tâm, Vô tận công đức hồi hướng tâm, Tuỳ thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng tâm, Tuỳ thuận đẳng quan nhất thiết chúng sinh hồi hướng tâm, Như tướng hồi hướng tâm, Vô phược giải thoát hồi hướng tâm, Pháp giới vô lượng hồi hướng tâm.
  • Thập Địa: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.
  • Ngoài ra trên bậc Thập Địa là Đẳng Giác Bồ Tát, sau khi mãn được Đẳng Giác thời thành Diệu Giác (tức Phật Chính Đẳng Chính Giác).

Thập Trụ vị, Thập Hạnh vị, Thập Hồi hướng vị được gọi chung là 30 bậc Hiền; Thập địa được gọi là 10 bậc thánh. Thông thường, những vị đã chứng được Viễn hành địa trở lên được gọi là Đại Bồ-tát, Đại sĩ hay Ma-ha-tát-đỏa (Mahasattva) như Quán Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát (A-dật-đa Bồ-tát), Hư Không Tạng Bồ-tát, Trừ Cái Chướng Bồ-tát...